Top 16 bệnh trên nấm bào ngư thường gặp và cách xử lý [2024]

Hôm nay, Trại nấm Chín Thạch sẽ tổng hợp các bệnh trên nấm bào ngư và cách khắc phục, giúp mọi người chủ động xử lý khi gặp trường hợp tương tự.

Bệnh trên bịch phôi nấm bào ngư xám

Dưới đây là tổng hợp các bệnh trên nấm bào ngư thường xuất hiện ở bịch phôi nấm, mời bà con tham khảo dấu hiệu, nguyên nhân cũng như cách khắc phục.

Bịch phôi nấm bào ngư bị mốc xanh

Dấu hiệu nhận biết: Bịch phôi nấm bào ngư bị mốc xanh ở cổ phôi hoặc thân phôi, thường xảy ra trong quá trình đang cho nấm (thông thường các bạn sẽ gặp bệnh này từ lần ăn nấm thứ 2 – 3 về sau). Đây là bệnh trên nấm bào ngư khá phổ biến mà gần như ai cũng sẽ gặp ít nhất một lần.

Phôi nấm bị mốc xanh
Phôi nấm bị mốc xanh

Nguyên nhân : 

  • Do lần thu hoạch trước bạn vệ sinh cổ phôi chưa kỹ dẫn đến còn dư gốc nấm trong đó.
  • Do rút bông sớm trước khi đủ thời gian ủ tơ nên làm yếu bịch phôi.
  • Phôi bị tuột pH do nước tưới, dễ nhiễm khuẩn.
  • Tưới thẳng nước vào trong cổ phôi quá nhiều.
  • Nhiệt độ môi trường nóng hầm

Cách khắc phục : 

  • Hái nấm đúng cách và vệ sinh cổ phôi sạch sẽ, để khô trước khi đóng nắp lại.
  • Rút bông đúng ngày.
  • Mua giấy quỳ tím về kiểm tra pH nước tưới, trung bình ở mức 7 – 8 đây cũng là môi trường mốc xanh khó phát triển. Nếu pH xuống mức 5 – 6.5 sẽ là điều kiện lý tưởng để mốc xanh phát triển.
  • Không tưới nước vào cổ bịch nhiều, sau khi vệ sinh xong nếu mùn cưa ở cổ ướt quá nên để nửa buổi cho khô bớt rồi hãy đóng nắp.
  • Thỉnh thoảng tưới lên nền và phun sương lên bịch phôi để giảm nhiệt độ trại.

Lưu ý: Nếu phôi bị mốc xanh quá nặng chỉ có cách bỏ đi để tránh lây nhiễm cho các phôi còn lại vì bệnh này rất dễ lây lan.

Bịch phôi nấm bị đọng hơi nước

Bịch phôi nấm bào ngư bị đọng hơi nước
Bịch phôi nấm bào ngư bị đọng hơi nước

Hiện tượng đọng hơi nước bên trong bịch phôi có thể xảy ra do hai nguyên nhân chính:

  • Trong quá trình vận chuyển: Khi mang bịch phôi lên xe tải để vận chuyển đi và phủ bạt để tránh mưa nắng, nhiệt độ bên trong bịch sẽ tăng lên do hầm hơi, lúc đó hơi nước sẽ ngưng tụ thành giọt nước trên bề mặt bịch.
  • Trại nấm kín quá: Trại nấm quá hầm cũng sẽ làm tăng nhiệt độ và độ ẩm bên trong trại dẫn đến hơi nước trong không khí sẽ đọng nước lại trên bề mặt bịch phôi.

Để khắc phục hiện tượng đọng hơi nước bên trong bịch phôi, cần thực hiện các biện pháp sau:

  • Trong quá trình vận chuyển: Không nên phủ bạt kín hoàn toàn bịch phôi mà nên để hở ra một phần bịch phôi để phôi không bị hầm.
  • Trại nấm: Kiểm soát không gian trại nấm thật thông thoáng, không bị bịt kín.

Bịch phôi nấm bị vàng và đen đầu

Bịch phôi nấm bị vàng và đen đầu
Bịch phôi nấm bị vàng và đen đầu

Đây cũng là một trong các bệnh trên nấm bào ngư phổ biến, nguyên nhân chủ yếu do người trồng nấm muốn nấm ra nhanh lại không nắm vững kỹ thuật trồng nên đã ép bịch nấm ra sớm với mong muốn thu nấm lẹ trong khi bịch phôi chưa chạy tơ đủ ngày hoặc thời tiết không phù hợp, điều này ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng của cả bịch phôi lẫn năng suất nấm.

Khắc phục: Rút bông đúng ngày, tầm 60 ngày đối với giống dài ngày, 35 ngày đối với giống bào ngư ngắn ngày. Hạn chế tưới  nước lên phôi khi chưa rút bông.

Cũng có trường hợp do meo giống không đảm bảo chất lượng dẫn tới chất lượng phôi kém nữa.

Giải pháp: Cần chọn giống bào ngư một cách cẩn thận và áp dụng đúng kỹ thuật trước khi nhân giống.

Bịch phôi nấm có nhiều nước vàng

Bịch phôi bị đọng nước vàng
Bịch phôi bị đọng nước vàng

Nguyên nhân: Kiểm tra lại trường hợp 2. Phôi nấm mới đem về trại bị bịt kín dẫn đến nhiệt độ cao, kém thông thoáng, phôi nấm sẽ dễ bị thiếu oxy, gây chết tơ và xuất hiện nhiều nước màu vàng. Bệnh này thường phổ biến ở những trại nấm lợp tôn, dùng kệ.

Giải pháp: Kéo bạt lên cho thông thoáng, chỉ phủ lại bạt khi trời mưa nắng trực tiếp vào bịch phôi.

Lưu ý: Nước vàng ở bịch phôi nấm bào ngư cũng sẽ khiến sản lượng nấm ít đi hoặc trông khá xấu trong một vài lần ăn nấm đầu tiên.

Bịch phôi nấm bị ngả vàng và mốc xanh

Dấu hiệu: Túi dần dần có dấu hiệu ố vàng và không thể phục hồi được lớp tơ trắng. Mốc xanh sẽ xuất hiện sau khoảng 1 – 2 tuần.

Bịch phôi nấm bị ngả vàng và mốc xanh
Bịch phôi nấm bị ngả vàng và mốc xanh

Nguyên nhân: Xuất hiện chủ yếu do lúc vận chuyển bịch phôi bị va đập mạnh, thời tiết thì nắng nóng gay gắt, nhiệt độ cao, như đã đề cập trong Trường hợp 2 và 4.

Cách khắc phục: Cần hạn chế di chuyển phôi nấm tới lui nhiều lần, hay nhất là nên mang ngay bịch phôi lên kệ khi vừa xuống xe. Nhớ giữ cho trại nấm luôn mát mẻ trong suốt thời gian này nha.

Bệnh trên tai nấm bào ngư xám

Tổng hợp các bệnh trên nấm bào ngư thường xuất hiện ở tai nấm, mời bà con tham khảo dấu hiệu, nguyên nhân cũng như cách khắc phục.

Nấm chỉ ra 1 tai

Nguyên nhân: Vệ sinh bịch phôi không đúng cách, cạo quá kỹ ăn sâu vào mùn cưa. Đợt trước ăn nấm quá to so với bình thường nhưng đợt sau lại mở nắp sớm.

Cách khắc phục: Làm sạch cổ phôi, cạo sạch phần chân nấm còn sót và nhẹ nhàng cạo sạch lớp tơ trắng nếu có. Thu thập nấm với kích thước vừa phải và chờ thêm vài ngày nếu đợt trước đã thu nấm quá lớn.

Nấm bị vàng héo

Nguyên nhân: Gió lùa trực tiếp và ánh sáng mặt trời chiếu thẳng vào phôi nấm, do trại nấm không được che chắn kỹ hoặc không đủ khả năng để giữ ẩm và tránh gió.

Giải pháp: Che kín, tránh gió và nắng chiếu trực tiếp vào phôi nấm, nhớ tưới nước đầy đủ.

Nấm bị vàng khô và héo
Nấm bị vàng khô và héo

Nấm bị cuốn tai

Nguyên nhân: Do chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm quá lớn.Ví dụ ngày nóng 30oC đêm xuống 20oC độ.

Khắc phục: Quấn bạt kỹ, duy trì mức nhiệt độ ổn định để hạn chế nấm bị cuốn tai.

Nấm bị thối, thân mềm nhũn

Nguyên nhân: Do tưới nhiều nước và độ ẩm quá cao trong trại quá cao trên 95%.

Biện pháp khắc phục: Duy trì độ ẩm ở mức vừa phải và tưới nước đầy đủ, nếu độ ẩm trong trại vượt quá mức cho phép, hãy kéo bạt hoặc mở cửa sổ để giúp thông thoáng.

Nấm bị vàng héo ở đợt đầu

Nguyên nhân: Do phôi có nhiều nước vàng hoặc bịch thừa chất dinh dưỡng

Khắc phục: Để trại nấm thoáng mát nhằm hạn chế nước vàng tiết ra nhiều. Những bịch nấm bị héo vàng thì nên hái và vệ sinh sạch, cạo luôn lớp tơ trắng ở cổ phôi, đóng nắp chờ ăn nấm đợt sau.

Nấm đen, bầm tím, vàng héo

Nguyên nhân: Do thời tiết thay đổi đột ngột, nếu nhiệt độ quá lạnh, khoảng 10 – 13 độ C, nấm ra rất chậm, nấm vừa ra sẽ bị thâm đen (hỏng nấm) không thể phát triển. Nếu thời tiết thay đổi quá nhanh, nấm sẽ bị sốc gây héo vàng và chết.

Giải pháp: Trong thời gian này, cần theo dõi nhiệt độ và độ ẩm để có biện pháp phù hợp, nên giữ ẩm và tưới nước đầy đủ khi trời nóng, khi lạnh thì phủ bạt kín lại và tốt nhất đừng cho ra nấm trong thời điểm này.

Nấm bào ngư bị héo vàng
Nấm bào ngư bị héo vàng

Chân nấm dài nhưng tán không bung

Nguyên nhân: Do thiếu oxy, ngộp, hầm hơi, thời tiết thay đổi đột ngột.

Khắc phục: Kéo bạt hoặc cửa sổ cho thoáng trại, mở nấm cho nấm ra với mật độ vừa phải.

Nấm bị nhăn và khô

Nguyên nhân: Do phôi nấm bị thiếu nước nên tơ nấm ở cổ túi bị chai và già đi.

Cách khắc phục: Giữ ẩm tốt ở trại nấm, thu hái nấm ở mức độ hợp lý, sau khi vệ sinh sạch, đậy nắp kín không để gió thổi trực tiếp vào cổ phôi khi mở quá lâu. Tơ bị chai thì nên cạo lớp tơ đó và một phần mùn cưa cứng ở cổ phôi. Nếu phôi nấm bị khô hoặc mất độ ẩm, bạn cần tưới nước trực tiếp vào cổ phôi để nấm ra được.

Nấm bị khô, nhạt màu

Nguyên nhân: Do gió thổi trực tiếp vào nấm, độ ẩm trong trại không đủ, nấm thiếu nước.

Cách chữa: Quấn bạt cẩn thận, để hở chân khoảng 20-30cm để không khí lưu thông, tưới nước lên nền để giữ ẩm và tưới trực tiếp lên nấm.

Tưới nhiều nước vào nấm sẽ làm cho tai nấm sẫm màu hơn, ngược lại tưới ít nước sẽ khiến chúng trắng hơn.

Sâu ăn nấm và phá bịch

Nguyên nhân: Nếu không vệ sinh kỹ bịch phôi sẽ dẫn đen đầu bịch phôi, trại nấm không sạch sẽ cũng là nguyên nhân. Đây là điều kiện lý tưởng cho ruồi đục quả, bọ xít… kéo đến đẻ trứng.

Sâu ăn nấm, ruồi nhặng đẻ trứng vào phôi
Sâu ăn nấm, ruồi nhặng đẻ trứng vào phôi

Giải pháp: Che chắn cẩn thận trại nấm của bà con, dùng long não treo xung quanh kệ nấm. Quét dọn sạch và rải vôi nền trại. Bên cạnh đó cần vệ sinh sạch cổ phôi.

Dùng Bacca hoặc Regent pha loãng tỉ lệ 1/3 và phun khắp trại sau khi mang bịch phôi nấm về và khi xả trại. Bà con cũng có thể xịt sản phẩm hữu cơ vào bịch phôi để đuổi côn trùng ra ngoài sau khi đóng nắp.

Lưu ý: Có thể đạt hiệu quả cao nếu làm cẩn thận tất cả các bước, cổ phôi được vệ sinh kỹ, dọn sạch và che chắn kỹ trại. Ngay cả việc phun thuốc trong trại cũng sẽ không loại bỏ hoàn toàn sâu bệnh nếu các bước trên không làm cẩn thận.

Nấm ra không đều

Rút bông quá sớm

Nguyên nhân: Do tâm lý nôn nóng muốn ăn nấm sớm nên bà con thường rút rút bông khi chưa đủ ngày và đóng nắp sớm để ép nấm ra. Sau 1 – 2 lần bà con sẽ nhận ra một điều là thời gian ra nấm không nhanh hơn được thậm chí còn chậm hơn so với để đủ ngày.

Nấm ra không đều, phôi ra phôi không
Nấm ra không đều, phôi ra phôi không

Cách khắc phục: Tùy theo thời tiết, nên rút bông khoảng 60 – 70 ngày từ ngày cấy meo. Ngoài ra, nếu nấm ra bói đều trước thời hạn 5 – 7 ngày thì cũng có thể rút bông.

Ra bói đều ở đây tức là có khoảng 5 – 10% nấm chui ra khỏi bông và dàn đều trong tổng số thì hãy rút bông, đậy nắp toàn bộ lại chứ không phải được vài bịch phôi khỏe ra bói trước mà rút bông đóng nắp toàn bộ thì lại không đúng lắm.

Rút bông quá trễ

Trung bình tầm 60 – 70 ngày là rút bông được rồi nhưng nếu để trên 100 ngày (kèm theo sự ảnh hưởng của thời tiết…) thì bịch phôi nấm sẽ khô và nấm ra chậm.

Đóng nắp quá lâu

Nguyên nhân: Có thể do bạn rút bông quá sớm hoặc chưa muốn nấm ra ở thời điểm hiện tại, khoảng thời gian này có thể kéo dài tầm 20 – 30 ngày nữa kèm theo thời tiết nắng nóng làm tơ phát triển nhanh, ăn đầy ở cổ phôi khiến tơ bị chai, khó ra nấm.

Giải pháp: Cạo nhẹ lớp tơ trắng này đi rồi đóng nắp lại, sau khoảng 7 ngày tưới sốc nhiệt rồi mở nắp để nấm ra bình thường, nhớ tưới nước lên bịch để làm chậm quá trình kéo tơ.

Không đủ độ ẩm, sốc nhiệt sai cách

Giữ ẩm trại nấm tầm 70-80% trước khi tưới nước vào phôi nấm rồi mở nắp. Nếu điều kiện quá khắc nghiệt, bà con hãy tưới phun sương vào cổ túi nhiều lần trong ngày để tăng độ ẩm.

Kết luận

Nguyên nhân chính gây bệnh trên nấm bào ngư nằm ở yếu tố chủ quan của người trồng. Để hạn chế các bệnh thường gặp trên nấm, bà con cần lưu ý những điều dưới đây:

  • Trại nấm phải phù hợp với các điều kiện thời tiết khác nhau.
  • Thường xuyên quét dọn, rải vôi bột giúp trại của bà con sạch sẽ.
  • Giữ ẩm cho trại nấm và tưới nấm vừa phải.
  • Vệ sinh cổ phôi kỹ càng.

Trên đây là bài viết tổng hợp các bệnh trên nấm bào ngư. Hy vọng sau khi đọc xong, các bạn sẽ tự tin xử lý nếu gặp trường hợp tương tự. Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết.

Nếu bạn muốn mua Phôi Nấm Bào Ngư Xám trồng tại nhà giá rẻ, chất lượng có thể đặt hàng qua điện thoại, Zalo, SMS hoặc tại website trainamchinthanh.com bằng các thông tin dưới đây:

TRẠI NẤM CHÍN THẠCH

  • Địa chỉ HCM: 101/5 Tổ 102 ấp Tam Đông, Thới Tam Thôn, Hóc Môn, TPHCM
  • Hotline: 0933 140 071
  • Bản đồ chỉ đường : Trại Nấm Chín Thạch

Chúng tôi sẵn sàng đón tiếp và mang đến khách hàng sản phẩm chất lượng nhất. Chân thành cám ơn quý khách!

5/5 - (7 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Mục lục