Để trồng nấm đạt được hiệu quả cao, ngoài việc lựa chọn phôi nấm chất lượng thì môi trường trồng nấm cũng rất quan trọng, góp phần tăng năng suất cũng như sản lượng nấm, vì thế hôm nay Trại nấm Chín Thạch sẽ hướng dẫn mọi người từ khâu xây dựng cũng như thiết kế nhà trồng nấm bào ngư tiết kiệm và hiệu quả nhất.
Thiết kế nhà trồng nấm bào ngư mang lại hiệu quả kinh tế nhất
Nhà trồng nấm bào ngư ngày càng được nhiều người xây dựng để có thể nuôi trồng nấm quanh năm mà không phải bị lệ thuộc quá nhiều với điều kiện thời tiết khí hậu nữa, giúp chủ động hơn trong việc trồng nấm.
Thiết kế cơ bản mô hình trồng nấm bào ngư
Việc xây dựng nhà trồng nấm bào ngư cần chú trọng đến độ ẩm, nhiệt độ,… để đảm bảo điều kiện phát triển tốt nhất cho cây nấm.
Tuy nhiên, bà con làm nhà trồng nấm bào ngư cũng không nhất thiết phải đạt chuẩn này chuẩn nọ, cứ tận dụng lại cơ sở vật chất cũ để tiết kiệm chi phí, giảm rủi ro cũng được.
Khi bước vào trại nấm bào ngư, thấy nó mát mẻ hơn môi trường bên ngoài vào mùa hè, còn mùa đông thì ấm áp hơn bên ngoài là được rồi đó.
Dưới đây là một số điều cần chú ý:
- Độ ẩm trong trại nấm: 60 – 90%
- Nhiệt độ trong nhà trồng nấm: 25 – 32oC.
- Nền trại nấm cần xây cao ráo, tránh việc bị ngập khi có mưa lớn.
- Không đặt nhà trồng nấm gần nơi chăn nuôi, cần chủ động có nguồn nước sạch đảm bảo (nước không được nhiễm sắt, phèn, chất gây ô nhiễm, độ pH từ 5.5 trở lên) và thuận lợi cho việc tưới nước cho nấm.
- Ánh sáng trong nhà trồng nấm bào ngư cần vừa đủ để có thể đọc sách và tránh ánh nắng trực tiếp chiếu vào trại. Có thể lợp mái bằng tôn sáng hoặc làm cửa sổ trên mái…
- Nhà trồng nấm bào ngư được lợp lá, nền làm bằng đất để giữ độ ẩm và nhiệt độ cho trại, ngoài ra có thể sử dụng vật liệu lợp như tôn hoặc ngói. Nền thì làm bằng xi măng hoặc trải đá với cát bên dưới cũng được miễn nền trại sạch sẽ và duy trì ẩm tốt cho trại.
- Cần phải giăng bạt kín để tránh gió và lưới để tránh sự côn trùng xung quanh nhà trồng nấm bào ngư.
Quy mô xây dựng
Hiện Trại nấm Chín Thạch đang làm ở quy mô gần 100m2 với khoảng 10.000 phôi nấm bào ngư xám. Mọi người có thể tham khảo quy mô để xây dựng trại cho phù hợp theo thông tin dưới đây nha:
- Dưới 1000 bịch: Với quy mô nhỏ trồng nấm để lấy kinh nghiệm và để lấy nấm ăn thì không cần phải làm trại chi cho phức tạp, cứ hàn vài cái kệ trong nhà luôn, diện tích đâu đó tầm 5m2 là được. Sau đó chất phôi nấm lên, chăm sóc như bình thường là được.
- Dưới 5000 bịch: Ở quy mô này thì cũng tương tự trên, chỉ cần hàn kệ và tận dụng các căn phòng trống, nhà nuôi gia súc bỏ không để nuôi trồng nấm, diện tích tầm 25 – 35m2 là được.
- Trên 10.000 bịch: Để chứa đống phôi này cần diện tích khoảng 70m2 cho rộng rãi, hàn kệ hoặc làm dây treo đều được. Nếu có nhà kho, nhà nuôi gia súc bỏ trống cũng có thể tận dụng lại làm nhà nuôi trồng nấm bào ngư cũng được luôn.
Ưu điểm của việc tận dụng kho xưởng có sẵn làm trại
Ưu điểm lớn nhất của việc tân dụng lại kho xưởng để làm nhà trồng nấm bào ngư chính là đỡ tốn thời gian xây dựng trại mới cũng như tiết kiệm rất nhiều chi phí, chỉ cần sửa sang lại tí cho phù hợp môi trường sống của nấm bào ngư là có thể tiến hành trồng nấm được rồi.
Tất nhiên, việc tận dụng kho xưởng hoặc chuồng trại cũng có một số nhược điểm như nền kho xưởng thường được tráng xi măng, mái thì lợp tôn nên trại sẽ rất nóng vào mùa nắng.
Vì vậy, trước khi bắt tay vào trồng nấm, bà con nên chú ý các vấn đề sau:
- Do tận dụng kết cấu đã có sẵn thì bà con nên hàn kệ để chứa phôi nấm sẽ tối ưu hơn thay vì dùng dây treo, để khỏi phải tốn thời gian và chi phí sửa lại kho xưởng.
- Sử dụng các vật liệu cách nhiệt như xốp cách nhiệt, giấy cách nhiệt lót trên trần nhà để giảm hơi nóng lan xuống trại, đảm bảo nhiệt độ, độ ẩm trong trại phù hợp với điều kiện phát triển của nấm.
- Nền xi măng được cái sạch sẽ tuy nhiên nó không thể giữ độ ẩm được như nền đất nên cần thường xuyên tưới nền để duy trì ẩm.
- Về ánh sáng và độ thông thoáng: Cần lưu ý làm trại thông thoáng gió, có thể là mở cửa sổ rồi lấy lưới lan che lại cũng được. Nói chung mần sao để trại thông thoáng mà vẫn đảm bảo không có gió lùa trực tiếp vào nấm là được.
- Kệ để phôi nấm làm đơn giản cũng được, muốn di chuyển nhẹ nhàng thì có thể thêm bánh xe đẩy ra vô cho tiện nếu nền trại làm bằng xi măng, nhớ thêm lớp chống gỉ để xài kệ cho lâu hen.
Xây dựng nhà trồng nấm bào ngư
Đến phần xây dựng thì Trại nấm Chín Thạch sẽ dùng những gì bên trại mình đã trải qua để trình bày lại nên chỉ là những quan điểm cá nhân, tất nhiên trại mình cũng cung cấp những thông tin ở mức độ tham khảo, sẽ không đi quá nhiều vào chi tiết vì mỗi người mỗi điều kiện khác nhau, rất khó để đồng nhất được.
Trại nấm Chín Thạch cũng chân thành khuyên bà con nên đi thực tế một vài nơi để tham khảo mô hình cũng như cách trồng nấm bào ngư, sẽ không giờ thừa đâu nhé bà con!
Chi phí vật liệu dựng trại
Tùy quy mô nhà trồng nấm bào ngư mà chi phí vật liệu dựng trại cũng khác nhau. Thực tế bên Trại nấm Chín Thạch đã bỏ ra chi phí nguyên vật liệu tầm 30 – 40 triệu, còn công lao động thì do gia đình mình cũng có ít kiến thức nên tự làm luôn nên không tốn tiền, chỉ tốn công.
Tổng chi phí cho việc xây dựng nhà trồng nấm bào ngư, lấy phôi giống… mọi người tham khảo bài viết này hen.
Về vật liệu làm nhà trồng nấm bào ngư thì bao gồm các thứ sau:
- Kệ sắt V3
- Mái tôn hoặc mái lá
- Bạt & lưới lan
- Béc tưới phun sương
Tiêu chuẩn xây dựng nhà trồng nấm
Hiện bên Trại nấm Chín Thạch đang dùng kệ để phôi nấm, kệ phôi có kích thước Dài Rộng Cao tương ứng 2.5m x 42cm x 2m, nếu bạn sử dụng dây treo bịch thay cho kệ thì chi phí trồng nấm bào ngư sẽ giảm đáng kể.
- Nên xi măng, lớp mái tôn có thêm vật liệu cách nhiệt (Nền đất + mái lá cũng được, tiết kiệm chi phí).
- Nhà trồng nấm bào ngư có 2 mái chữ A.
- Xung quanh treo bạt tránh gió lùa và lưới lan chống côn trùng xâm nhập.
- Hàn kệ đựng phôi nấm (Dùng treo bịch trên dây cũng được, sẽ rẻ và tiết kiệm diện tích hơn nhiều).
Nếu làm dây treo thì cần tính toán kỹ làm sao để dây có thể chịu được sức nặng của phôi trong suốt thời gian trồng nấm.
Kích thước xây dựng
Trung bình 10.000 phôi phải cần khoảng không gian 60m2 đổ lên là ổn, phần còn lại sẽ là lối đi cũng tương đối rộng rãi rồi.
- Diện tích 70m2 = Rộng 7m x Dài 10m
- Chiều cao kệ khoảng 2m
- Đặt 2 kệ nhỏ sát tường, còn lại 14 kệ đặt cách nhau 60 – 70cm (Bà con xem hình ở mục “Cách sắp xếp phôi nâm hiệu quả” để dễ hình dung nha)
- 1 kệ sắt V3 Dài Rộng Cao tương ứng 2.5m x 42cm x 2m thì chứa được 625 phôi (cứ 1m2 chứa được 250 phôi)
Lưu ý: Tùy kích thước chiều rộng và chiều dài của nhà trồng nấm bào ngư mà sẽ bố trí kệ hoặc dây treo sao cho phù hợp nhé.
Cách sắp xếp phôi nấm hiệu quả
Mọi người có thể nhìn hình bên dưới để dễ hình dung nha.
Chú ý: 2 hàng bịch đầu và cuối trại bên mình chỉ làm kệ có kích thước chỉ bằng 1 nửa kệ bình thường vì để phôi ở vị trí này chủ yếu để tận dụng không gian và chăm sóc thuận tiện thôi, nếu mình để sát vách quá nó dễ bị hầm hơi lắm.
Bố trí kệ nấm theo hàng ngang sẽ tiện cho việc chăm sóc, dễ tưới nước cũng như chủ động được thời điểm ra nấm.
Ngoài ra, kiểu bố trí này còn giúp nhà trồng nấm bào ngư được thông thoáng, không bị hầm hơi. Tất nhiên, bà con cần lưu ý là tùy vào điều kiện hiện tại mà thiết kế sao cho phù hợp hen.
Dùng lưới lan phủ bên ngoài nhà trồng nấm bào ngư mục đích để giúp kiểm soát nhiệt độ trong trại cũng như che kín hạn chế côn trùng. Khi nắng thì mình bỏ lưới lan xuống, khi bớt nắng thì mình cuốn lưới lan lên cho trại thông thoáng.
Xử lý trại trồng nấm trước khi nuôi trồng
Nên mua thuốc trừ sâu sinh học pha theo nồng độ hướng dẫn trên bao bì xịt xung quanh nhà trồng nấm bào ngư, sau đó để khoảng 1 tuần sau cho bay hết thuốc nếu xung quanh trại có nhiều cây trồng. Sau đó tiến hành rắc vôi bột quanh trại và trên nền rồi dùng nước rửa sạch.
Bảo trì – bảo dưỡng nhà trồng nấm
Nhà trồng nấm bào ngư mà làm ngon lành, đạt chuẩn thì công việc trồng nấm bào ngư cũng dễ dàng hơn, tuy nhiên sau một khoảng thời gian sử dụng cũng sẽ có nhiều vật tư xuống cấp.
Dễ thấy nhất là các mối hàn ở kệ để phôi sẽ dễ gỉ sét nhất, cần có biện pháp xử lý sau mỗi đơt trồng nấm về sau (khoảng 2 năm kể từ khi hàn kệ).
Nếu nhà trồng nấm bào ngư được làm mái bằng tôn có cách nhiệt thì khá là bền, gần như không hư hao gì mấy đâu nhưng với mái lá thì 3 – 5 năm thì tốt nhất nên thay mới, chi phí cũng không quá cao đâu nên cứ mạnh dạn đầu tư nếu đã sử dụng sau 3 – 5 năm hen.
Lưới lan và bạt cũng thay định kỳ sau 1 – 2 năm dùng để đạt hiệu quả tốt nhất cho nhà trồng nấm.
Kết luận
Tùy vào điều kiện thực tế cũng như cơ sở vật chất mà nhà trồng nấm bào ngư có cũng được thiết kế thành rất nhiều kiểu khác nhau, mỗi nơi sẽ có các cách xây dựng sao cho phù hợp với điều kiện ở địa phương.
Cũng đừng nên quá máy móc, rập khuôn, áp tiêu chuẩn cho trại, cứ làm sao để tiết kiệm thời gian và chi phí là được, còn để sức lo nhiều chuyện khác nữa.
Cứ đạt các điều kiện cơ bản như này là ổn:
- Nhà trồng nấm bào ngư phải mát mẻ, độ thông thoáng vừa đủ, có khả năng giữ ẩm tốt.
- Cần tránh gió lùa trực tiếp vào phôi cũng như nấm.
- Có anh sáng nhẹ (tránh nắng trực tiếp)
Một lưu ý nhỏ đối với bà con làm nhà trồng nấm bào ngư bằng mái tôn và dùng kệ để phôi thì rất dễ làm bịch có nước vàng, nguyên nhân là do trại thiết kế không được tốt, mình cần xem lại thiết kế nhé.
Bên cạnh đó thì mọi người nên tham khảo thêm các loại bệnh trên nấm bào ngư để có thêm kinh nghiệm cũng như biết cách xử lý khi gặp phải hen.
Lời khuyên: Khi có ý định trồng nấm, tốt nhất bà con nên đi thực tế vài trại để tìm hiểu mô hình, các xây dựng trại, nguồn phôi, chi phí trồng nấm bào ngư cần bao nhiêu và lợi nhuận ra sao, bên mình tin các trại sẽ chia sẻ chứ không giấu gì đâu vì đa phần họ đều là nông dân chân chất, chỉ được gì họ sẽ chỉ.
Với lại, đi thực tế nhìn nó sẽ dễ hình dung hơn so với việc bạn ngồi máy tính, đọc những dòng này và tưởng tượng trong đầu, khó lắm.
Bài này chỉ mang tính chất tham khảo, truyền đạt lại những gì Trại nấm Chín Thạch đã làm suốt 3 năm qua, hi vọng sẽ giúp mọi người có thêm góc nhìn thực tế hen.