Để có được những quả thể nấm tươi ngon chất lượng cung cấp cho người dùng thì phải trải qua rất nhiều công đoạn từ chọn lựa nguyên liệu đầu vào, tối ưu kỹ thuật trồng & chăm sóc nấm để đảm bảo năng suất, chất lượng nấm phải tốt nhất.
Trong đó thì thứ quan trọng nhất quyết định thành bại của đợt nấm chính là phôi nấm. Nếu nhập phôi nấm về thì cũng cần phải có quy trình xử lý, sàn lọc rõ ràng để chọn ra phôi nấm chất lượng tốt nhất.
Nếu tự làm phôi thì phải đảm bảo tuân thủ theo các tiêu chuẩn, quy trình làm phôi. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu đến quý độc giả cách làm phôi nấm và quy trình làm ra một phôi nấm chất lượng sẽ như thế nào?
Phôi nấm là gì?
Suy nghĩ đơn giản thì Phôi nấm là một môi trường sống giống như đất hoặc nước vậy đó, phôi nấm có nhiệm vụ cung cấp dinh dưỡng cho meo nấm phát triển và hình thành tơ chạy khắp phôi nấm trước khi phát triển thành nấm.
Nếu môi trường dinh dưỡng không tốt thì nấm sẽ chậm phát triển, cây nhỏ, trọng lượng thấp dẫn đến năng suất kém.
Tơ nấm thì hình dung nó giống như rễ cây – thứ sẽ hút chất dinh dưỡng từ phôi nấm để phát triển và cho ra nấm. Quá trình phát triển từ meo giống rồi chạy tơ cho đến lúc ra nấm kéo dài khoảng 70 – 80 ngày tùy theo điều kiện khí hậu.
Lúc mới đóng phôi thì bịch phôi nấm bào ngư sẽ có màu nâu của mùn cưa. Sau một thời gian chạy tơ, bịch phôi sẽ chuyển dần sang màu trắng báo hiệu tơ nấm đã ăn gần hết phôi, lúc này là sắp sửa có nấm ăn rồi nha, chỉ cần canh ngày mở nắp để nấm mọc ra là được.
Nguyên liệu chính làm phôi nấm thường sẽ là mùn cưa gỗ cao su, phần lõi phôi nấm sẽ được cấy meo giống bằng chất lỏng hoặc khoai mì như các loại như Nấm Linh Chi, Nấm Bào Ngư, Nấm Hương,…
Tầm quan trọng của phôi nấm?
Cây muốn phát triển tốt thì đất phải giàu dinh dưỡng và tương tự, làm phôi nấm chất lượng sẽ tạo môi trường tốt nhất cho nấm sinh trưởng.
Cách làm phôi nấm chất lượng đúng quy trình
Quy trình làm phôi nấm sẽ trải qua nhiều công đoạn. Trại nấm Chín Thạch chia sẻ cách làm phôi nấm phía dưới đây để áp dụng vào sản xuất các loại phôi như nấm sò, nấm bào ngư, nấm linh chi, nấm mộc nhĩ, đông trùng hạ thảo, nấm mối đen, nấm hoàng đế…
Phối trộn nguyên liệu
Nguyên liệu chính là mùn cưa của các loại cây như cao su, mít, tràm… Mùn cưa được trộn với các nguyên liệu phụ khác như vôi, cám bắp, bột nhẹ… sau đó tưới nước và trộn đều, cuối cùng là đem ủ trong thời gian nhất định từ vài tiếng đến 1 hoặc 2 ngày.
Sau đấy nguyên liệu được sàng lọc lại để loại bỏ tác tạp chất di vật có thể làm rách bịch hoặc gây khó khăn trong quá trình kéo tơ, ra nấm.
Đóng nguyên liệu vào bịch
Sau khi sàng lọc nguyện liệu đã xong, chúng ta tiến hành cho nguyên liệu vào các bịch nhựa ni lông, tùy theo địa phương mà bịch sẽ có kích cỡ khác nhau.
Trọng lượng trung bình sau khi đóng nguyên liệu vào bịch sẽ rơi vào tầm 1,1 – 1,2kg. Nguyên liệu được nén lại trong bịch ở mức độ chặt vừa phải sau đó nhét bông lại ngay cổ bịch.
Trước khi nhét bông thì nên dùng một cái xuyên đâm lỗ ngay giữa cổ phôi để sau này mình cấy meo giống vào cho dễ hơn.
Hấp khử trùng phôi nấm bằng hơi nước
Đây là một bước quan trọng trong quy trình sản xuất phôi nấm. Hấp khử trùng bịch phôi nấm giúp loại bỏ các vi sinh vật gây hại cho nấm và chuyển hóa hỗn hợp nguyên liệu thành chất có lợi, tạo điều kiện cho tơ nấm phát triển.
Thời gian hấp khử trùng phôi nấm thường từ 10 – 12 tiếng bằng hơi nước. Sau khi hấp khử trùng xong, cần để các bịch phôi nguội trong phòng sạch để chuẩn bị cấy meo giống vào phôi nấm.
Cấy meo giống vào phôi nấm
Bịch phôi sau khi để nguội sẽ tiến hành cấy meo giống vào, lưu ý là bịch không được nóng cấy vào sẽ chết meo và cũng không được để bịch quá lâu (trên 2 ngày) khi đấy cấy meo vào sẽ làm ảnh hưởng quá trình kéo tơ rất nhiều.
Hai phương pháp cấy meo giống phổ biến hiện nay là cấy bằng thân cây khoai mì và cấy bằng lúa. Cấy meo giống bằng thân cây khoai mì có ưu điểm là nhanh chóng, dễ thực hiện, ít bị nhiễm khuẩn, nhưng có nhược điểm là khó kiểm soát lượng giống, độ ẩm còn cấy bằng lúa thì ngược lại.
Ủ bịch phôi nấm
Bịch sau khi cấy meo giống xong thì mang đi ủ trong vòng 30 ngày. Không gian ủ phôi phải kín gió, thông thoáng, không được quá nóng hoặc quá lạnh.
Sau 30 ngày thì chuyển phôi vào trại nuôi nấm để bắt đầu quá trình chăm sóc tiếp 40-45 ngày cho tơ nấm ăn khắp bịch phôi, chuẩn bị cho quá trình chăm sóc phôi nấm để ra thành phẩm.
Quá trình chăm sóc phôi nấm đúng chuẩn
Khi đã đưa phôi nấm vào trại để ủ tiếp 40-45 ngày thì cũng là lúc bắt đầu quá trình chăm sóc như tươi tiêu, đóng nắp, quan sát nhiệt độ, độ ẩm…
Trong quá trình chăm sóc, cần quan sát và loại bỏ những phôi nấm phát triển kém và có dấu hiệu bệnh như mốc xanh, chảy nước vàng… nhằm đảm bảo an toàn, tránh bị nhiễm bệnh cho toàn bộ phôi nấm trong một nhà trại.
Xem thêm: Top 16 bệnh trên nấm bào ngư và cách khắc phục mới nhất 2023
Lưu ý: Các công đoạn trên sẽ được tùy chỉnh sao cho phù hợp với từng loại nấm ở từng thời điểm khác nhau.
Đó, cách làm phôi nấm thì chỉ có bấy nhiêu thôi nhưng tất cả các công đoạn trên đều rất quan trọng và có ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình kéo tơ nên đừng chủ quan, xem thường công đoạn nào hết nhé!
Câu hỏi thường gặp
Kết luận
Tóm lại, quy trình cũng như cách làm phôi nấm đạt tiêu chuẩn phải trải qua các bước sau:
- Phối trộn nguyên liệu theo tỉ lệ thích hợp.
- Đóng nguyên liệu vô bịch.
- Hấp khử trùng phôi nấm.
- Cấy meo giống vào phôi nấm.
- Ủ bịch phôi nấm.
Trên đây là cách làm phôi nấm cũng như quy trình chuẩn để làm nên một phôi nấm. Hy vọng bài viết trên sẽ cung cấp cho các bạn thêm nhiều thông tin để biết cách làm phôi nấm chất lượng.