Chi phí trồng nấm bào ngư: 8 điều cần nắm rõ trước khi làm

Nấm bào ngư là loại nấm khá quen thuộc với mọi người, đây cũng là loại thực phẩm rất được ưa chuộng, mang nhiều giá trị dinh dưỡng. Chi phí trồng nấm bào ngư không nhiều, lợi nhuận cũng ổn, dễ ăn dễ trồng dễ bán nên đây là lý do chính để mọi người chọn trồng nấm bào ngư để khởi nghiệp làm giàu.

Bên mình làm trại đến 2023 thì cũng tầm 3 năm rồi, ít nhiều cũng đã có kinh nghiệm và trong bài viết này mình chia sẻ dưới góc nhìn chủ quan của mình, mong các bạn theo dõi để có thêm thông tin trước khi quyết định làm nhé!

Bịch phôi nấm bào ngư là gì?

Phôi nấm bào ngư (hay còn gọi là Bịch nấm bào ngư) là một giá thể giống như đất hoặc nước vậy đó, phôi nấm sẽ có nhiệm vụ cung cấp chất dinh dưỡng cho meo nấm phát triển và hình thành tơ chạy khắp phôi nấm trước khi phát triển thành nấm.

Ngoài yếu tố điều kiện chăm sóc, nếu môi trường dinh dưỡng không tốt cũng sẽ làm cho nấm chậm phát triển, nấm nhỏ, trọng lượng thấp và không ngon.

Bịch phôi nấm bào ngư tại Trại nấm Chín Thạch luôn được ủ tơ đủ ngày
Bịch phôi nấm bào ngư tại Trại nấm Chín Thạch luôn được ủ tơ đủ ngày

Tơ nấm thì giống như rễ cây sẽ hút chất dinh dưỡng từ phôi nấm để phát triển và cho ra nấm. Quá trình phát triển từ meo giống rồi chạy tơ cho đến lúc ra nấm kéo dài khoảng 70 – 80 ngày tùy theo điều kiện khí hậu.

Lúc mới đóng, bịch phôi nấm bào ngư sẽ có màu nâu của mùn cưa. Sau một thời gian chạy tơ, bịch phôi sẽ chuyển dần sang màu trắng báo hiệu tơ nấm đã ăn gần hết phôi, lúc này chỉ cần canh ngày mở nắp để nấm mọc ra là được.

Giá phôi nấm bào ngư

Giá phôi nấm bào ngư 1,2kg sẽ khu vực Miền Nam thì tầm 4.500đ – 6.000đ. Tất nhiên mua càng nhiều thì giá càng tốt, điều này sẽ tối ưu đáng kể đến chi phí trồng nấm bào ngư nên khi mua nấm đừng ngần ngại hỏi chính sách nhé.

Giá phôi nấm bào ngư (08/2023)
Bịch phôi 4.500đ
Nắp chụp 200đ

Mỗi khu vực sẽ có mức giá khác nhau, ở đây trại mình chỉ lấy giá tham khảo để bạn có thêm góc nhìn thôi nhé!

Năng suất của phôi nấm bào ngư

Hiện nay thì đa phần mọi người đều dùng bịch phôi cổ 34mm, loại này cho ra nấm nhanh hơn, vệ sinh dễ dàng, chất lượng nấm đồng đều, rút ngắn đáng kể thời gian nuôi trồng so với các loại cổ nhỏ hơn.

Về năng suất thì một phôi sẽ đạt tầm 250 – 300g, đây là con số trung bình bên trại mình cho ra mỗi lô nấm. Tùy theo điều kiện khí hậu sẽ ảnh hưởng đến năng suất trên, ví dụ vào mùa mưa, trời lạnh nấm sẽ ra tốt hơn so với mùa nắng.

Lý do nhiều người chọn trồng nấm bào ngư

Nấm bào ngư cho hiệu quả kinh tế cao, chi phí trồng nấm bào ngư không nhiều và có thị trường tiêu thụ rộng lớn trải dài mọi miền tổ quốc là lý do chính khiến nhiều người lựa chọn trồng nấm bào ngư để khởi nghiệp làm giàu.

Chi phí trồng nấm bào ngư không nhiều là lý do chính để nhiều người chọn khởi nghiệp trồng nấm bào ngư
Chi phí trồng nấm bào ngư không nhiều là lý do chính để nhiều người chọn khởi nghiệp trồng nấm bào ngư

Vài năm trở lại đây thì việc làm giàu từ nghề trồng nấm bào ngư là không còn xa lạ, đây là một trong những con đường giúp nhiều gia đình, hợp tác xã vươn lên thoát nghèo.

Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, để có thể thành công với nấm bào ngư cũng không hề đơn giản. Bạn cần trầy trật vừa làm vừa tích lũy kiến thức cũng như kinh nghiệm về kỹ thuật chăm sóc, nuôi trồng nấm bào ngư cũng như hiểu rõ tập tính, môi trường phát triển của loài nấm này, bên cạnh đó còn phải tối ưu được chi phí trồng nấm bào ngư thì mới có ăn được.

Tựu chung lại thì đây là 5 lý do chính khiến nhiều người chọn trồng nấm bào ngư:

  • Nấm bào ngưloại thực phẩm sạch, giàu dinh dưỡng so với các loại nấm khác đồng thời cũng rất tốt đối với sức khỏe con người. Đã có nhiều nhà khoa học cùng nhiều đề tài nghiên được thực hiện và chứng minh điều này.
  • Nấm bào ngư rất dễ trồng và dễ chăm sóc. Kể cả những người mới chưa biết gì, chỉ cần nghe hướng dẫn 1 vài lần là trồng được. Tuy nhiên, để làm quy mô công nghiệp thì công sức bỏ ra khá nhiều đó.
  • Nắm rõ kỹ thuật, môi trường sinh trưởng, điều kiện khí hậu mọi thứ đều ủng hộ thì nấm bào ngư sẽ cho ra sản lượng nấm bào ngư khá cao. Từ đó, hiệu quả kinh tế mang lại là không hề nhỏ.
  • Trồng nấm bào ngư cũng không cần quá nhiều không gian, diện tích và chi phí trồng nấm bào ngư cũng không nhiều. Với những người vốn ít thì đây sẽ là lựa chọn khá ổn. Thông thường vốn đầu tư trồng nấm bào ngư sẽ rơi vào tầm 80 – 100 triệu đồng, diện tích khoảng 70m2 với quy mô 10.000 bịch phôi.
  • Rồi giờ nói tới đầu ra, nấm bào ngư thì có thị trường tiêu thụ rất lớn hầu như chỗ nào cũng ăn loại nấm này nên sẽ không phải lo lắng đối với đầu ra. Bên cạnh đó, giá bán của loại nấm này hiện nay cũng khá cao dẫn đến lợi nhuận khá là hấp dẫn luôn.

Thị trường nấm bào ngư hiện nay 2023

Nấm bào ngư thường được sử dụng trong ẩm thực với các tên gọi vùng miền khác nhau như Nấm Trắng, Nấm Dai hay Nấm Sò.

Với vị ngọt và mùi thơm đặc trưng lại chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho cơ thể, nấm bào ngư là một trong những loại nấm rất phổ biến và được ưa chuộng trong nhiều món ăn khác nhau.

Giá nấm bào ngư tươi (08/2023)
Giá bán lẻ (1kg) 60.000 – 90.000đ
Giá bán sỉ (1kg) 40.000 – 50.000đ

Giá nấm này là ở khu vực Miền Nam nha (giá nấm sẽ cao hơn so với khu vực Miền Trung hoặc miền Bắc) và có thể thay đổi theo các thời điểm trong tháng như ngày rằm, ngày ăn chay…

Chi phí trồng nấm bào ngư tối ưu nhất

Chi phí trồng nấm bào ngư lần đầu sẽ hơi nặng xíu vì phải làm trại che mưa nắng cho nấm, kệ chứa nấm và phôi nấm bào ngư, các lần trồng tiếp theo chỉ cần bỏ vốn mua phôi mới thay phôi cũ trồng tiếp là được.

Giá thành bên mình đưa ra ở đây chỉ ở mức tương đối thôi vì điều kiện mỗi nơi khác nhau, nhiều cách xây dựng giàn trại khác nhau, giá nguyên vật liệu hay công lao động các vùng miền cũng không giống nhau…

Mô hình trại nấm bào ngư đơn giản hiệu quả
Mô hình trại nấm bào ngư đơn giản hiệu quả

Bên mình cũng không khuyến khích mọi người thuê đất để làm trại bởi rủi ro trong việc trồng nấm bào ngư không hề nhỏ đâu, trừ khi bạn hiểu rõ nghề nấm, có kiến thức cũng như kinh nghiệm rất nhiều, đảm bảo tỉ suất lợi nhuận tốt thì có thể thuê đất để làm.

Vì thế, ở đây phần chi phí thuê đất mỗi đợt nấm tầm 4 tháng mình sẽ cho nó là chi phí cơ hội (vì nếu bạn không trồng nấm sẽ đem phần đất đó cho thuê để có thu nhập, giờ bạn trồng nấm sẽ mất đi phần phí này)

Chi phí trồng nấm bào ngư (10.000 phôi nấm bào ngư)
70m2 (thuê 4 tháng) 6.000.000 VNĐ
Kệ (16 kệ sắt V3 Dài Rộng Cao tương ứng 2.5m x 42cm x 2m) 30.000.000 VNĐ
10.0000 phôi 45.000.000 VNĐ
60kg nắp chụp 2.400.000 VNĐ
Vận chuyển 2.000.000 VNĐ
Tổng chi phí 85.400.000 VNĐ

Nếu bạn sử dụng dây treo bịch thay cho kệ thì chi phí trồng nấm bào ngư sẽ giảm đáng kể (lúc này chi phí trồng nấm bào ngư chỉ rơi vào tầm 1/10 so với dùng kệ).

Trên đây là bảng tổng chi phí trồng nấm bào ngư tương đối để tham khảo nhé, thực tế có thể phát sinh nhiều hơn cứ cộng thêm từ 10 – 20% chi phí trên. Giá này mình đang khảo sát ở khu vực Hóc Môn – TPHCM nha mọi người.

Hướng dẫn chi tiết xây dựng trại trồng nấm bào ngư cho người mới bắt đầu

Do điều kiện mỗi nơi khác nhau, khó mà đi mô tả từng chi tiết được nên bên mình chỉ lấy chi phí trồng nấm bào ngư của trại mình đưa lên cho mọi người tham khảo thôi nhé, vẫn khuyên các bạn tốt nhất là đi tham khảo thực tế vài nơi để có thêm thông tin nha.

Mô hình trồng nấm bào ngư
Thiết kế mô hình nhà trồng nấm bào ngư. Nguồn: caynamviet.com

Chi phí và vật liệu làm trại trồng nấm bào ngư

Chi phí trồng nấm bào ngư tầm 80 – 90 triệu thì trong đó chi phí nguyên vật liệu thường sẽ dao động từ 30 – 40 triệu, còn công lao động thì do gia đình mình cũng có ít kiến thức nên tự làm luôn nên không tốn tiền, chỉ tốn công.

Về vật liệu làm trại thì bao gồm các thứ sau:

  • Kệ sắt V3
  • Mái tôn
  • Bạt & lưới lan
  • Béc tưới phun sương

Kích thước không gian trại trồng nấm bào ngư

Trung bình 10.000 phôi phải cần khoảng không gian 60m2 đổ lên là ổn, phần còn lại sẽ là lối đi cũng tương đối rộng rãi rồi.

  • Diện tích 70m2 = Rộng 7m x Dài 10m
  • Chiều cao kệ khoảng 2m
  • Đặt 2 kệ nhỏ sát tường, còn lại 14 kệ đặt cách nhau 60 – 70cm (Xem hình dưới cho dễ hình dung nha)
  • 1 kệ sắt V3 Dài Rộng Cao tương ứng 2.5m x 42cm x 2m thì chứa được 625 phôi (cứ 1m2 chứa được 250 phôi)
Chi tiết không gian trồng nấm bào ngư
Chi tiết không gian trồng nấm bào ngư

Lưu ý: Kích thước bề ngang và chiều dài của trại tùy vào điều kiện mỗi nơi khác nhau sẽ bố trí để kệ nấm sao cho phù hợp nhé.

Phủ lưới lan

Dùng lưới lan phủ bên ngoài giàn trại mục đích để giúp kiểm soát nhiệt độ trong trại cũng như che kín hạn chế côn trùng. Khi nắng thì mình bỏ lưới lan xuống, khi bớt nắng thì mình cuốn lưới lan lên cho trại thông thoáng.

Xử lý giàn trại trước khi nuôi trồng

Nên mua thuốc trừ sâu sinh học pha theo nồng độ hướng dẫn trên bao bì xịt xung quanh trại, sau đó để khoảng 1 tuần sau cho bay hết thuốc nếu xung quanh trại có nhiều cây trồng.  Sau đó tiến hành rắc vôi bột quanh trại và trên nền rồi dùng nước rửa sạch.

Hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng và chăm sóc nấm bào ngư

Hiện nay thì phần lớn các trại đều dùng phôi có cổ 34 cho nấm ra ở đầu bịch bằng phương pháp đóng và mở nắp, ưu điểm là có thể kiểm soát được sản lượng nấm cần cung cấp và thời điểm cho nấm ra, bên cạnh đó cũng rất dễ vệ sinh phôi cho các lần thu hoạch sau nữa.

Vì bên Trại nấm Chín Thạch cũng sử dụng loại phôi này nên sẽ kỹ thuật nuôi trồng và chăm sóc sẽ gồm các bước sau:

Bước 1: Vệ sinh sạch sẽ giàn trại trồng nấm, tiến hành rải vôi bột, xịt thuốc kiến bọ xung quanh trại, sau đó rửa lại bằng nước sạch.

Bước 2: Phôi nấm bào ngư sau khi được vận chuyển tới thì xếp ngay lên kệ, để yên khoan hãy tưới nước nha. Luôn giữ trại thoáng mát trong thời điểm này bằng cách kéo lưới lan hoặc mở cửa sổ. Bên cạnh đó cũng cần phải tưới nền để tăng ẩm và giảm nhiệt độ trại nấm xuống.

Xếp ngay phôi nấm bào ngư lên kệ sau khi được vận chuyển tới
Xếp ngay phôi nấm bào ngư lên kệ sau khi được vận chuyển tới

Bước 3: Giai đoạn bói và rút bông sẽ chia ra 2 trường hợp sau

  • Trường hợp 1: Theo dõi xem nếu nấm ra bói lai rai đều một số bịch và thời gian ủ tơ đã được tầm 60 ngày thì tiến hành rút bông đóng nắp toàn bộ phôi.
  • Trường hợp 2: Phôi đã được ủ tơ đủ 70 – 75 ngày kể từ ngày cấy giống hay khoảng 35 ngày từ lúc bịch đã kéo trắng toàn bộ thì rút bông đóng nắp luôn.

Bước 4: Sau đó 7 – 8 ngày, bắt đầu tưới nước thật nhiều lên bịch và tưới nền liên tục sao cho độ ẩm trong trại nấm đạt ít nhất 60%, trung bình ẩm phải từ 70 – 80% rồi tiến hành mở nắp cho nấm chui ra.

Bước 5: Từ ngày mở nắp cho nấm ra đến ngày thứ 5 là có thể thu hoạch được, lúc này chất lượng và kích cỡ nấm đạt tốt nhất.

Trong thời gian này vẫn cần tưới nền để duy trì ẩm trại ít nhất 60% và tưới phun sương nhẹ lên bịch, cứ tưới thoải mái thôi tuy nhiên độ ẩm trong trại phải luôn dưới 95% và không để nước đọng trong cổ bịch nhiều nha, dễ hỏng phôi lắm.

Sau 5 ngày thì nấm nở rộ siêu đẹp
Sau 5 ngày thì nấm nở rộ siêu đẹp

Bước 6: Khi tai nấm đã mọc ra cách miệng túi phôi tầm 5-7cm, kích thước nấm tầm 2 – 3 ngón tay là có thể thu hoạch được. Lúc này, chỉ cần tóm gọn cụm nấm trong lòng bàn tay, lay nhẹ nhàng cả cụm nấm lên xuống theo chiều dọc, nếu nấm chưa đứt thì lay theo chiều ngang rồi giật ra dứt khoát.

Bước 7: Sau khi hái xong thì tiến hành vệ sinh phôi càng sớm càng tốt, chỉ cạo ra những chân nấm còn sót lại, không cạo sâu vô mùn cưa.

Bước 8: Kiểm tra nếu mùn cưa trong cổ phôi quá ướt thì khoan đóng nắp mà để khoảng 1 – 2 buổi cho khô bớt rồi hãy đóng. Nếu khô thì tranh thủ đóng nắp càng sớm càng tốt.

Đối với các lần sau thì bắt đầu lại từ “Bước 4″, lưu ý là càng về sau thì thời gian đóng nắp sẽ tăng dần lên cho các đợt sau (tăng 1 – 2 ngày cho mỗi lần).

Ví dụ: Đợt đầu 7 ngày, đợt 2 đóng 8 – 9 ngày, đợt 3 đóng 9 – 10 ngày… cứ tiếp tục như vậy cho đến khi phôi hư hoặc trọng lượng phôi nhẹ đi, không còn khả năng ra nấm.

Thực tế thì trồng nấm bào ngư quy mô trang trại thì không chỉ đơn giản như trên mà bạn sẽ còn phải xử lý nhiều yếu tố liên quan đến môi trường, con người, các vấn đề trên bịch phôi và các bệnh thường gặp ở cây nấm bào ngư nữa, nói chung làm dần tích lũy kiến thức kinh nghiệm nha mọi người.

Tất cả các yếu tố trên đều ảnh hưởng đến chi phí trồng nấm bào ngư và biên độ lợi nhuận của mình nên cần tìm hiểu, cân nhắc, tính toán kỹ nha.

Xem ngay: Top 16 bệnh trên nấm bào ngư và cách khắc phục mới nhất 2023

Lợi nhuận trồng nấm thực tế ra sao

Về lợi nhuận thì cũng khá là khó để đo được con số chính xác, trước mắt là đếm cua trong lỗ để hình dung trước, các con số chỉ ở mức tương đối gần sát thực tế thôi nha, khi làm thực tế rồi mình sẽ nắm được chi phí trồng nấm bào ngư cũng như lợi nhuận rõ hơn, chính xác hơn.

Lợi nhuận & chi phí trồng nấm bào ngư với 10.000 phôi
Sản lượng khoảng 2.25 tấn  x 45.000đ 101.250.000đ
Chi phí trồng nấm bào ngư mỗi đợt (4 tháng) 50.000.000đ
Tiền lãi cho mỗi đợt trồng (4 tháng) 51.250.000đ
Tiền lãi 1 năm làm nấm (3 đợt trồng) 153.750.000đ

Giải thích chi phí trồng nầm bào ngư ở bảng trên chút xíu:

Sản lượng: ở đây tính mỗi phôi trung bình cho ra 250g * 9000 phôi (trừ đi 10% hư hại trong quá trình vận chuyển, trồng trọt, chăm sóc…) = 2.25 tấn. Giá nấm trung bình khoảng 45.000đ/kg

Chi phí trồng nấm bào ngư cho mỗi đợt bao gồm tiền 10.000 phôi khoảng 45tr, tiền vận chuyển 2.000.000đ, nhân công xếp lên kệ khoảng 3.000.000đ.

– Lấy tổng lợi nhuận trừ cho chi phí trồng nấm bào ngư mỗi đợt 4 tháng sẽ ra lợi nhuận mỗi đợt trồng, sau đó nhân 3 lên sẽ được lợi nhuận 1 năm trồng, rồi tiếp tục trừ lại tiền vốn đã đầu tư trang trại là ra tương đối nhé mọi người.

Lưu ý: Phần nắp chụp có thể dùng lại được nhiều lần nên chỉ tính vô chi phí trồng nấm bào ngư nhé, lâu lâu mới mua theo kg nên có thể tính vô phí phát sinh cũng được.

Phí phát sinh thì ước tính sương sương bao gồm điện, nước, nhân công cả năm làm, rồi tiền vôi bột vệ sinh… thì cũng kha khá đó nha.

Đầu ra cho nấm bào ngư

Trại mình thì tưới theo từng kệ luân phiên nên gần như có nấm mỗi ngày, vì vậy mình chọn đầu ra là các quán chay, mối lẻ ở chợ để giao thành ra giá cũng tốt hơn là bỏ sỉ.

Đóng gói nấm bào ngư để giao cho khách
Đóng gói nấm bào ngư để giao cho khách

Đầu ra sẽ tác động đến chi phí trồng nấm bào ngư nên dưới đây mình có tổng hợp 3 nguồn đầu ra chính để bạn tham khảo:

  • Chợ đầu mối (ví dụ chợ đầu mối Hóc Môn TPHCM), ở đây thì họ sẽ thu gom tất cả bao gồm nấm xấu, nấm đẹp, không giới hạn số lượng nhưng bù lại giá nấm sẽ thấp so với các nguồn khác…
  • Bỏ sỉ cho thương lái thì giá nấm sẽ có phần ổn định và tốt chợ đầu mối nhưng chất lượng nấm phải tốt, ổn định nguồn nấm…
  • Mối lẻ bán chợ, quán ăn… giá sẽ cao hơn so với 2 đầu ra trên nhưng chỉ bán được số lượng vừa và nhỏ, nếu gom được nhiều mối giao thì ổn nhưng sẽ tốn nhiều công sức hơn.

Nhìn 3 nguồn trên thì có thể thấy mỗi nguồn đầu ra đều có ưu nhược điểm khác nhau, nếu biết kết hợp tất cả các đầu ra trên lại với nhau sẽ rất tốt, giúp tăng lợi nhuận, phần nào giảm đi chi phí trồng nấm bào ngư cho các đợt sau.

Câu hỏi thường gặp

Mình tin đến đây thì phần nào cung cấp được cho bạn nhiều thông tin cũng như góc nhìn tổng thể về việc chi phí trồng nấm bào ngư khoảng bao nhiêu và lợi nhuận ra sao rồi.

Ngoài ra, mình có tổng hợp nhanh một số câu hỏi thường gặp về chi phí trồng nấm bào ngư.

Trồng nấm bào ngư có lãi không?

Câu trả lời là có. Nếu có kiến thức và kinh nghiệm thì việc trồng nấm bào ngư có lãi là không hề khó. Tùy theo chi phí trồng nấm bào ngư, quy mô, số lượng nhiều hay ít mà mức lợi nhuận sẽ tương ứng.

Còn nếu chưa có kinh nghiệm thì bắt buộc phải làm từ từ tích lũy, làm lâu dần tối ưu được chi phí trồng nấm bào ngư và tăng được lợi nhuận đầu ra thì tiền lãi rất là ổn nha.

Trồng nấm bào ngư dễ hay khó?

Theo góc nhìn và kinh nghiệm của mình, thì nghề trồng nấm không dễ mà cũng không khó mà phụ thuộc phần lớn vào chính bản thân bạn, bạn kiên trì tìm hiểu học hỏi, tích lũy kinh nghiệm thì dần dần mọi việc khó đều trở thành dễ thôi mà.

Trồng nấm bào ngư có rủi ro gì không?

Giờ làm nghề nào cũng sẽ có rủi ro phát sinh hết. Bạn làm nhiều, có kiến thức kinh nghiệm thì cũng chỉ giảm bớt rủi ro xuống chứ khó tránh được. Đây là 2 rủi ro chính sẽ gặp:

  • Rủi ro bên trong là mầm bệnh bên trong phôi, nguồn nước chất lượng kém, chăm sóc phôi không được kỹ càng, không nhanh chóng xử lý phôi bị mốc,… dẫn đến việc năng suất nấm kém, chất lượng tệ, hư hỏng phôi.
  • Rủi ro bên ngoài là nguồn nhập phôi nấm bào ngư không đảm bảo chất lượng như hấp khử trùng chưa kỹ, ủ tơ chưa đủ thời gian, để gió và nắng chiếu tác động trực tiếp vào trại, mưa tạt lên phôi, côn trùng làm ổ,… dẫn đến năng suất không đảm bảo dài hạn, nấm dễ hỏng, ra không đều và còn rất nhiều nguyên do khác.

Nếu bạn mới vô nghề, rủi ro này có thể chiếm khá cao chứ không hề nhỏ bởi bạn chưa có nhiều kỹ năng và kinh nghiệm xử lý, kiểm soát và chăm sóc nấm.

Vẫn phải là làm rồi tích lũy dần kiến thức và kinh nghiệm để xử lý các vấn đề, rủi ro phát sinh khi làm đợt mới thôi bạn.

Trồng nấm bào ngư cần chuẩn bị gì?
  • Chuẩn bị tâm lý: Trước khi bước vô nghề trồng nấm, bạn cần chuẩn bị tâm lý chịu cực và chịu khó nhé. Nhìn thì đơn giản nhưng thực tế nó cực lắm đó, loay hoay đủ việc hết luôn. Bên cạnh đó cần chuẩn bị tâm lý xoay vòng vốn chậm do 1 đợt nấm kéo dài khoảng 4 tháng trời, 1 năm tính ra được 2 – 3 vụ là hết cỡ. Cuối cùng phải chuẩn bị tâm lý bán hàng, tìm đầu ra cho nấm sao cho tối ưu được lợi nhuận nữa, hổng có dễ đâu.
  • Chuẩn bị kiến thức về loại nấm định trồng: Tất nhiên rồi, kiến thức vốn là thứ vô cùng quan trọng mà bạn phải chuẩn bị trước khi bắt tay vô làm, càng hiểu về loại nấm mà mình sẽ trồng thì càng giảm thiểu rủi ro, gia tăng lợi nhuận cho mình. Giả dụ, bạn muốn trồng Nấm Bào Ngư, hãy tìm hiểu trước về chúng tại bài viết này: Nấm Bào Ngư là gì?
  • Chuẩn bị tiền bạc để đầu tư chi phí trồng nấm bào ngư: Theo như tính toán phía trên thì chi phí trồng nấm bào ngư sơ sơ cũng phải rơi vào tầm 80tr triệu trở lên rồi, tuy nhiên bạn vẫn phải dự phòng cao hơn nhé để tránh phát sinh còn có tiền dùng.
Trại nấm Chín Thạch đã trồng nấm bao lâu rồi?

Như mình kể ở trên thì bên mình làm trại đến 2023 thì cũng tầm 3 năm rồi, lúc đó nhớ là ngay đợt dịch đó, phần lớn cũng không việc gì để mần, cơ duyên đưa mình đến nghề nấm.

Lúc đầu cũng trầy trật lắm, làm từ từ vài 3 kệ vài trăm phôi rồi cố gắng tối ưu chi phí trồng nấm bào ngư, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm để có trại như giờ, có thu nhập lai rai cũng ổn.

Lời khuyên cho người mới trồng nấm

Khi có ý định trồng nấm, mình khuyên các bạn nên đi thực tế vài trại để tìm hiểu mô hình, các xây dựng trại, nguồn phôi, chi phí trồng nấm bào ngư cần bao nhiêu và lợi nhuận ra sao, mình tin các trại sẽ chia sẻ chứ không giấu gì đâu vì đa phần họ đều là nông dân chân chất, chỉ được gì họ sẽ chỉ. Với lại, đi thực tế nhìn nó sẽ dễ hình dung hơn so với việc bạn ngồi máy tính, đọc những dòng này và tưởng tượng trong đầu, khó lắm.

Kết luận

Để tối ưu được chi phí trồng nấm bào ngư cũng như tăng thêm lợi nhuận trồng nấm thì đầu tiên bạn phải có kiến thức về Nấm bào ngư, năng suất của bịch phôi cũng như giá cả để chuẩn bị trước.

Bên cạnh cần tìm hiểu rõ thị trường nấm bào ngư hiện nay, chi phí đầu tư nguyên vật liệu để xây dựng mô hình trang trại phù hợp với điều kiện của bạn.

Tích lũy thêm kiến thức và kinh nghiệm thực tế cũng là điều bạn nên làm trước khi bắt tay vào trồng nấm vì đây là yếu tố cốt lõi, chiếm khoảng 60 – 70% việc bạn có thành công hay không.

Ước tính lợi nhuận thực tế cũng như chi phí trồng nấm bào ngư để có cái nhìn tổng quát, tính toán thời gian hoàn vốn để xoay vòng vốn cho các đợt trồng nấm tiếp theo.

Cần kết hợp các nguồn đầu ra cho nấm như giao cho chợ đầu mối, bỏ sỉ cho lái hoặc các quán chay để tối ưu hóa lợi nhuận.

Cuối cùng, việc gì cũng vậy, khi mới làm bạn sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, hãy kiên trì tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, trại ngọt rồi sẽ dành cho bạn.

Hi vọng qua bài viết này, Trại nấm Chín Thạch đã giúp bạn có cái nhìn tổng thể trước khi bước vô nghề hay lựa chọn nghề trồng nấm. Giúp bạn biết chi phí trồng nấm bào ngư bao nhiêu và lợi nhuận như thế nào để bạn dễ hình dung hơn.

Bài viết trên, mình có tham khảo thêm thông tin chi phí trồng nấm bào ngư của bạn Thanh Tú viết ở website Caynamviet.com, mình mong với những thông tin của những người đã từng bắt tay vào làm như tụi mình sẽ cung cấp được góc nhìn đa chiều cho các bạn.

Cảm ơn các bạn đã theo dõi, mong các bạn luôn kiên trì và chúc các bạn thành công!

5/5 - (11 bình chọn)

3 thoughts on “Chi phí trồng nấm bào ngư: 8 điều cần nắm rõ trước khi làm

  1. dương văn thắng says:

    Cảm ơn bạn mình đã đọc nhiều bài viết về nấm mà chưa thấy bài viết nào rõ và cụ thể như bài viết này. Cảm ơn bạn đã chia sẽ, chúc bạn thành công hơn nữa

  2. Đào Ngọc Ánh says:

    Mình cũng là dev, cũng khá thích trồng cây và đang muốn trồng Nấm. Đọc bài của bạn thật dễ hiểu, đầy đủ số liệu tham khảo, và rõ ràng những thứ mình thắc mắc. Chắc bạn viết document cũng khá nhiều nè =)))). Tks bạn nhiều vì bài viết.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Mục lục